Cở sở hạ tầng giao thông nông thôn

Các khái niệm cơ bản về cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng

Thuật ngữ cơ sở hạ tầng được sử dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực quân sự. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai nó được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau như: giao thông, kiến trúc, xây dựng… Đó là những cơ sở vật chất kỹ thuật được hình thành theo một “kết cấu” nhất định và đóng vai trò “nền tảng” cho các hoạt động diễn ra trong đó. Với ý nghĩa đó thuật ngữ “ cơ sở hạ tầng” được mở rộng ra cả các lĩnh vực hoạt động có tính chất xã hội để chỉ các cơ sở trường học, bệnh viện, rạp hát, văn hoá.. phục vụ cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá…

Như vậy, cơ sở hạ tầng là tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kiến trúc đóng vai trò nền tảng cơ bản cho các hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra một cách bình thường.

Hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm: cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật

+ Cơ sở hạ tầng kinh tế là những công trình phục vụ sản xuất như bến cảng, điện, giao thông, sân bay…

+ Cơ sở hạ tầng xã hội là toàn bộ các cơ sở thiết bị và công trình phục vụ cho hoạt động văn hóa, nâng cao dân trí, văn hoá tinh thần của dân cư như trường học, trạm xá, bệnh viện, công viên, các nơi vui chơi giải trí…

Cơ sở hạ tầng nông thôn

Cơ sở hạ tầng nông thôn là một bộ phận của tổng thể cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật nền kinh tế quốc dân. Đó là những hệ thống thiết bị và công trình vật chất – kỹ thuật được tạo lập phân bố, phát triển trong các vùng nông thôn và rong các hệ thống sản xuất nông nghiệp, tạo thành cơ sở, điều kiện chung cho phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực này và trong lĩnh vực nông nghiệp.

co so ha tang giao thong nong thon 01

Nội dung tổng quát của cơ sở hạ tầng nông thôn có thể bao gồm những hệ thống cấu trúc, thiết bị và công trình chủ yếu sau:

+ Hệ thống và các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông, phòng chống thiên tai, bảo vệ và cải tạo đất đai, tài nguyên, môi trường trong nông nghiệp nông thôn như: đê điều, kè đập, cầu cống và kênh mương thuỷ lợi, các trạm bơm…

+ Các hệ thống và công trình giao thông vận tải trong nông thôn: cầu cống, đường xá, kho tầng bến bãi phục vụ trực tiếp cho việc vận chuyển hàng hoá, giao lưu đi lại của dân cư.

+ Mạng lưới và thiết bị phân phối, cung cấp điện, mạng lưới thông tin liên lạc…

+ Những công trình xử lý, khai thác và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho dân cư nông thôn.

+ Mạng lưới và cơ sở thương nghiệp, dịch vụ cung ứng vât tư, nguyên vật liệu,…mà chủ yếu là những công trình chợ búa và tụ điểm giao lưu buôn bán.

+ Cơ sở nghiên cứu khoa học, thực hiện và chuyển giao công nghệ kỹ thuật; trạm trại sản xuất và cung ứng giao giống vật nuôi cây trồng.

Nội dung của cơ sở hạ tầng trong nông thôn cũng như sự phân bố, cấu trúc trình độ phát triển của nó có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, quốc gia cũng như giữa các địa phương, vùng lãnh thổ của đất nước. Tại các nước phát triển , cơ sở hạ tầng nông thôn còn bao gồm cả các hệ thống, công trình cung cấp gas, khí đốt, xử lý và làm sạch nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp, cung cấp cho nông dân nghiệp vụ khuyến nông.

co so ha tang giao thong nong thon 02

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là một bộ phận của cơ sở hạ tầng nông nghiệp, bao gồm cơ sở hạ tầng đường sông, đường mòn, đường đất phục vụ sự đi lại trong nội bộ nông thôn, nhằm phát triển sản xuất và phục vụ giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội của các làng xã, thôn xóm. Hệ thống này nhằm bảo bảm cho các phuơng tiện cơ giới loại trung, nhẹ và xe thô sơ qua lại.

Trong quá trình nghiên cứu cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cần phân biệt rõ với hệ thống giao thông nông thôn

Hệ thống giao thông nông thôn bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, phương tiện vận tải và người sử dụng. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn chỉ là một bộ phận của hệ thống giao thông nông thôn. Giao thông nông thôn không chỉ là sự di chuyển của người dân nông thôn và hàng hoá của họ, mà còn là các phương tiện để cung cấp đầu vào sản xuất và các dịch vụ hỗ trợ cho khu vự nông thôn của các thành phần kinh tế quốc doanh và tư nhân. Đối tượng hưởng lợi ích trực tiếp của hệ thống giao thông nông thôn sau khi xây dựng mới, nâng cấp là người dân nông thôn, bao gồm các nhóm người có nhu cầu và ưu tiên đi lại khác nhau như nông dân, doanh nhân, người không có ruộng đất, cán bộ công nhân viên của các đơn vị phục vụ công cộng làm việc ở nông thôn…

* Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn bao gồm:

+ Mạng lưới đưòng giao thông nông thôn: đường huyện, đường xã và đường thôn xóm, cầu cống, phà trên tuyến

+ Đường sông và các công trình trên bờ

+ Các cơ sở hạ tầng giao thông ở mức độ thấp (các tuyến đường mòn, đường đất và các cầu cống không cho xe cơ giới đi lại mà chỉ cho phép nguời đi bộ, xe đạp, xe máy .vv đi lại). Các đường mòn và đường nhỏ cho người đi bộ, xe đạp, xe thồ, xe súc vật kéo, xe máy và đôi khi cho xe lớn hơn, có tốc độ thấp đi lại là một phần mạng lưới giao thông, giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hoá đi lại của người dân.

co so ha tang giao thong nong thon 03

Đặc điểm của cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn gắn liền với mọi hệ thống kinh tế, xã hội. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, vừa phục thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội của nông thôn.

So với các hệ thống kinh tế, xã hội khác, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn có những đặc điểm sau:

Tính hệ thống, đồng bộ

Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là một hệ thống cấu trúc phức tạp phân bố trên toàn lãnh thổ, trong đó có những bộ phận có mức độ và phạm vi ảnh hưởng cao thấp khác nhau tới sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn bộ nông thôn, của vùng và của làng, xã. Tuy vậy, các bộ phận này có mối liên hệ gắn kết với nhau trong quá trình hoạt động, khai thác và sử dụng.

Do vậy, việc quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, phối hợp kết hợp ghĩa các bộ phận trong một hệ thống đồng bộ, sẽ giảm tối đa chi phí và tăng tối đa công dụng của các cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cả trong xây dựng cũng như trong quá trình vận hành, sử dụng.

Tính chất đồng bộ, hợp lý trong việc phối, kết hợp các yếu tố hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về xã hội và nhân văn. Các công trình giao thông thường là các công trình lớn, chiếm chỗ trong không gian. Tính hợp lý của các công trình này đem lại sự thay đổi lớn trong cảnh quan và có tác động tích cực đến các sinh hoạt của dân cư trong địa bàn.

Tính định hướng

Đặc trưng này xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau của vị trí hệ thống giao thông nông thôn: Đầu tư cao, thời gian sử dụng lâu dài, mở đường cho các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển …

Đặc điểm này đòi hỏi trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn phải chú trọng những vấn đề chủ yếu:

– Cơ sở hạ tầng giao thông của toàn bộ nông thôn, của vùng hay của làng, xã cần được hình thành và phát triển trước một bước và phù hợp với các hoạt động kinh tế, xã hội. Dựa trên các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội để quyết định việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Đến lượt mình, sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông về quy mô, chất lượng lại thể hiện định hướng phát triển kinh tế, xã hội và tạo tiền đề vật chất cho tiến trình phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện tốt chiến lược ưu tiên trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của toàn bộ nông thôn, toàn vùng, từng địa phương trong mỗi giai đoạn phát triển sẽ vừa quán triệt tốt đặc điểm về tính tiên phong định hướng, vừa giảm nhẹ nhu cầu huy động vốn đầu tư do chỉ tập trung vào những công trình ưu tiên.

Tính địa phương, tính vùng và khu vực

Việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở nông thôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, địa hình, trình độ phát triển … Do địa bàn nông thôn rộng, dân cư phân bố không đều và điều kiện sản xuất nông nghiệp vừa đa dạng, phức tạp lại vừa khác biệt lớn giữa các địa phương, các vùng sinh thái.

Vì thế, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn mang tính vùng và địa phương rõ nét. Điều này thể hiện cả trong quá trình tạo lập, xây dựng cũng như trong tổ chức quản lý, sử dụng chúng.

Yêu cầu này đặt ra trong việc xác định phân bố hệ thống giao thông nông thôn, thiết kế, đầu tư và sử dụng nguyên vật liệu, vừa đặt trong hệ thống chung của quốc gia, vừa phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương, từng vùng lãnh thổ.

Tính xã hội và tính công cộng cao

Tính xã hội và công cộng cao của các công trình giao thông ở nông thôn thể hiện trong xây dựng và trong sử dụng

Trong sử dụng, hầu hết các công ttrình đều được sử dụng nhằm phục vụ việc đi lại, buôn bán giao lưu của tất cả người dân, tất cả các cơ sở kinh tế, dịch vụ.

Trong xây dựng, mỗi loại công trình khác nhau có những nguồn vốn khác nhau từ tất cả các thành phần, các chủ thể ttrong nền kinh tế quốc dân. Để việc xây dựng, quản lý, sử dụng các hề thống đường nông thôn có kết quả cần lưu ý:

+ Đảm bảo hài hoà giữa nghĩa vụ trong xây dựng và quyền lợi trong sử dụng đối với các tuyến đường cụ thể. Nguyên tắc cơ bản là gắn quyền lợi và nghĩa vụ.

+ Thực hiện tốt việc phân cấp trong xây dựng và quản lý sử dụng công trình cho từng cấp chính quyền, từng đối tượng cụ thể để khuyến khích việc phát triển và sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng.